Thách thức dạy và học trong năm học mới 2021-2022
QPTĐ-Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong bối cảnh tác động phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học. Các cơ sở giáo dục chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp tình hình dịch bệnh. Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chú trọng xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình.
Học sinh trường Tiểu học Trần Đăng Ninh, quận Hà Đông, Hà Nội chào cờ trong lễ khai giảng trực tuyến ngày 5/9/2021. (Ảnh: Internet)
Khai giảng trực tuyến và học trực tuyến
Sáng 5/9/2021, thầy, trò tại 57/63 tỉnh, thành phố tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 theo hình thức trực tuyến, trên sóng truyền hình hoặc trực tiếp. Lễ khai giảng được tổ chức linh hoạt tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương; bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực; thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên, giáo viên vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.
Gần 2 triệu học sinh Hà Nội đã dự lễ khai giảng trực tuyến ngày 5/9/2021 và bắt đầu học kỳ I năm học 2021-2022 ngày 6/9/2021 cũng theo hình thức này. Lễ khai giảng trực tiếp diễn ra vào 7 giờ 30 phút ngày 5/9/2021 với sự tham gia của đại diện cán bộ, giáo viên và hơn 20 học sinh quận Hoàn Kiếm. Buổi lễ được tổ chức ngắn gọn, bảo đảm quy định phòng, chống Covid-19 và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Fanpage và nền tảng trực tuyến để thầy cô, học sinh Thành phố theo dõi. Sau buổi lễ, các trường chủ động tổ chức hoạt động phù hợp để khởi động năm học mới.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào lúc 8 giờ, Đài truyền hình HTV đã truyền hình Lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trên kênh HTV9, HTV4 và trên kênh youtube HTV tin tức. Ngày 6/9/2021, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảng dạy chương trình năm học mới. Riêng khối tiểu học sẽ làm quen từ ngày 8-19/9/2021 sau đó mới giảng dạy chương trình năm học mới. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, phương pháp dạy học trực tuyến không thể thay thế được hình thức học trực tiếp. Vì thế địa phương này đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét việc kéo dài thời gian năm học, đặc biệt với lớp 1, 2.
Thành phố Đà Nẵng khai giảng năm học mới trực tuyến vào ngày 5/9/2021, được phát sóng trên đài Phát thanh-Tuyền hình Đà Nẵng trong chương trình “Đà Nẵng-Chào năm học mới”. Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho rằng, việc dạy, học trực tuyến chỉ là tạm thời, không phải chủ đạo vì những bất cập từ hình thức này phát sinh. Do đó, sau khai giảng việc học trực tuyến 2 tuần đầu, chủ yếu giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và củng cố kiến thức cũ, giúp thầy, trò làm quen với dạy-học trực tuyến, sau đó tùy diễn biến của dịch sẽ có phương án hướng dẫn cụ thể.
Triển khai kế hoạch năm học thích ứng với tình hình dịch
Năm học 2021-2021, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng GD-ĐT.
Toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, thực hiện hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch. Theo đó, phối hợp với ngành Y tế, ngành Giáo dục cần chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc-xin. Việc trường học hoạt động trở lại bình thường là mong ước của tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh học sinh. Vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em. Bộ Y tế quy định độ tuổi tiêm các loại vắc-xin để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vắc-xin phù hợp. Ví dụ, vắc-xin nào được nhiều nước sử dụng tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, trong thời gian tới khi nhập khẩu về thì dành vắc-xin này tiêm cho trẻ em. Như vậy, lứa tuổi từ 12 trở lên có thể trở lại trường học bình thường. Với trẻ em dưới 12 tuổi, chúng ta làm việc sớm với các hãng và thúc đẩy nghiên cứu trong nước để có thể trong thời gian tới có vắc-xin phòng dịch cho các cháu.
Bộ GD-ĐT tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho học sinh. Học sinh được tiêm đủ 2 mũi có thể học bình thường kèm biện pháp chống dịch khác như nhiều nước trên thế giới đang triển khai. Đối với giáo viên đã tiêm theo nhóm ưu tiên thì rà soát lại, nếu nơi nào thiếu vắc-xin cho giáo viên thì bổ sung sớm. Đồng thời với việc tiêm vắc-xin, cần bảo đảm các điều kiện vật chất và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch khác khi học sinh trở lại học bình thường, an toàn.
Các địa phương không có dịch chủ động phương án cho học sinh quay lại trường học nhưng có biện pháp kiểm tra, sàng lọc, đảm bảo môi trường và có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.Đối với “vùng đỏ” và “vùng vàng”, giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập không để ai bị bỏ lại phía sau, các cháu bị thất học.
Đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không học sinh nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường. Nhiều giáo viên bị ảnh hưởng do trường đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục, mầm non cũng cần được quan tâm hơn nữa.
Song Hà