A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đột phá thúc đẩy du lịch Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình

QPTĐ-Năm 2025 là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo các mục tiêu đề ra, đến năm 2025, ngành du lịch cần phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, đóng góp từ 6-8% GDP. Đến năm 2030, ngành du lịch cần đạt tốc độ tăng trưởng khách quốc tế từ 13-15% mỗi năm, phấn đấu đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, với đóng góp GDP từ 10-13%. Để hiện thực hóa tham vọng này, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo đột phát trong đầu tư hạ tầng và công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cùng với quảng bá thương hiệu quốc gia.

6 tháng đầu năm, Việt Nam đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế.

 

Bức tranh du lịch 6 tháng đầu năm 2025

Ngành du lịch đã đạt được những kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2025 với 10,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Con số này nhiều hơn của cả năm 2016 (10 triệu lượt khách) và tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 48,6% so với kế hoạch năm 2025. Lượng khách nội địa đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 64,5% so với kế hoạch năm 2025. Ngay từ tháng 1/2025, du lịch Việt Nam lập kỷ lục mới khi đón gần 2,1 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn cùng kỳ của năm hoàng kim 2019 gần 40%. Đến tháng 3/2025, du lịch Việt Nam lần thứ hai lập kỷ lục đón hơn 2 triệu lượt khách trong tháng.

Thành tích ngành du lịch Việt Nam đạt được xuất phát từ các chính sách miễn hoặc nới lỏng thị thực của Chính phủ. Công dân ba nước Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ được miễn thị thực từ 1/3 đến 31/12 theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025. Tháng 3/2025, chính phủ tiếp tục miễn thị thực cho công dân 12 nước Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch trong 6 tháng đầu năm 2025 được các đơn vị lữ hành làm mới và đa dạng hơn. Các tour du lịch gắn với tình yêu nước, về nguồn, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước cũng thu hút du khách. Cả nước có nhiều khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú du lịch quy mô lớn đi vào hoạt động như: Công viên nước Sun World Hà Nam, VinWonders Vũ Yên Hải Phòng, khu du lịch nghỉ dưỡng Lamori Thanh Hóa, khách sạn Radisson Red Đà Nẵng. Năm 2025 cũng là lần đầu tiên ngành du lịch tổ chức cho du khách khám phá các điểm đến quốc tế bằng du thuyền, khởi hành trực tiếp từ Việt Nam.

Kết quả trên là minh chứng cho hướng đi đúng, kịp thời của ngành du lịch trong cơ cấu lại thị trường khách, định hướng xây dựng sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả cả trên thực địa và trên các nền tảng số cùng hiệu ứng tích cực từ chính sách thị thực mới.

Thúc đẩy du lịch trong kỷ nguyên mới

Du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các quốc gia trong khu vực ban hành những chính sách thu hút khách linh hoạt đã tạo sức cạnh tranh lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, số khách quốc tế đến Việt Nam. Trung Quốc, Thái Lan liên tục có chính sách nới lỏng hoặc miễn visa cho các nước thị trường tiềm năng, tạo sức cạnh tranh lớn.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch dù được làm mới nhưng chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự hấp dẫn. Hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận điểm đến của du khách. Chất lượng dịch vụ tại một số điểm chưa đáp ứng được kỳ vọng như thiếu các dịch vụ 4-5 sao, doanh nghiệp thiếu nguồn lực tài chính để xây dựng sản phẩm cũng là những khó khăn mà ngành du lịch Việt gặp phải. Hành lang pháp lý để phát triển một số loại hình sản phẩm mới còn chưa thuận lợi. Thực tế này đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, quyết tâm để đổi mới và tăng tốc phát triển.

Phát triển du lịch đòi hỏi sự thay đổi về chính sách và nhận thức ở cả cấp quốc gia và địa phương. Một trong những yếu tố then chốt là rà soát, sửa đổi Luật Du lịch để thích ứng với thực tiễn và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các chính sách miễn thị thực cho thị trường chi tiêu cao như châu Âu, Mỹ và Trung Đông cần được ưu tiên. Đồng thời, cơ chế thị thực đặc biệt có thể áp dụng cho nhà đầu tư, khách du lịch dài hạn và những du khách giàu có. 

Hạ tầng là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoàn thành các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài và xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ mở ra cơ hội kết nối vùng miền và quốc tế. Đồng thời, các sân bay hiện đại cần được thiết kế như những trung tâm thương mại tích hợp với đầy đủ tiện ích để đáp ứng xu hướng “du lịch sân bay” đang phổ biến trên thế giới. 

Công nghệ số cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quản lý và vận hành du lịch. Phát triển các nền tảng di động cung cấp thông tin toàn diện về điểm đến, ứng dụng AI vào trải nghiệm du lịch và hệ thống thanh toán không tiền mặt là những bước đi thiết yếu để nâng cao trải nghiệm của du khách. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, ngành Du lịch Việt Nam cần khai thác các giá trị văn hóa bản địa và thiên nhiên độc đáo. Những biểu tượng như Cầu Vàng ở Đà Nẵng hay các khu nghỉ dưỡng biệt thự trên biển tại Phú Quốc cần được nhân rộng. 

Xây dựng hình ảnh quốc gia là nhiệm vụ chiến lược để thu hút sự chú ý từ du khách toàn cầu. Các sự kiện lớn như APEC, Olympic, hoặc World Cup nếu được tổ chức tại Việt Nam sẽ không chỉ mang lại cơ hội quảng bá mà còn thúc đẩy phát triển hạ tầng và dịch vụ. Các chương trình như “Ngày Phở Việt Nam” hay “Lễ hội Văn hóa Việt” tại các nước cũng có thể tạo cầu nối văn hóa, đưa hình ảnh đất nước đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Đồng thời, tận dụng các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC để quảng bá là một bước đi cần thiết trong thời đại số hóa.

Kỷ nguyên vươn mình không chỉ là thời điểm đánh dấu sự thay đổi, mà còn là lời mời gọi hành động cho tất cả các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch. Với chiến lược đúng đắn và sự quyết tâm từ mọi cấp, ngành Du lịch Việt Nam có thể vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và vươn lên vị thế xứng đáng trên bản đồ thế giới. 

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội