Cột cờ Hà Nội
Những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp đến thăm Cột cờ Hà Nội, một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể Khu di tích Thành cổ. Cột cờ Hà Nội cũng là một biểu tượng thiêng liêng của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Cột cờ Hà Nội được xây dựng từ năm 1805, đến năm 1812 hoàn thành. Cột cờ là một trong những tòa nhà hiếm hoi ở Hà Nội còn tồn tại sau cả kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cột cờ cao 41m, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế Cột cờ có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Bố cục cân đối ấy đã tạo nên những đường nét thẳng, vững vàng cho Cột cờ Hà Nội. Đây được coi là một trong những biểu tượng của Thành phố. Trong thời kỳ Pháp thuộc, Cột cờ Hà Nội được quân Pháp dùng để làm Đài quan sát. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. Chính vì vậy, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh Cột cờ Hà Nội cũng đã được in trang trọng trên đồng tiền được phát hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đến Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh Cột cờ Hà Nội đã trở thành giây phút thiêng liêng với người dân Thủ đô. Còn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Cột cờ lại chuyển sang là Đài quan sát của Bộ đội phòng không Hà Nội. Từ đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy cả Hà Nội và vùng ngoại ô.
Nằm ngay kế bên Cột cờ là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Trong Bảo tàng hiện trưng bày hàng nghìn hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học bổ trợ, phim tư liệu, sa bàn phản ánh lịch sử quân sự Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nổi bật ở Bảo tàng là máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam, xác máy bay của Không quân Mỹ, Pháp bị bắn hạ. Hàng năm, có hàng ngàn lượt khách đến tham quan Bảo tàng và di tích Cột cờ Hà Nội.
Chúng tôi gặp CCB Nguyễn Minh Tiến ở quận Hoàn Kiếm đang cùng cháu tham quan Cột cờ Hà Nội và Bảo tàng lịch sử quân sự, ông Tiến cho biết: “Vì cháu trai sắp đi học nên hôm nay hai ông cháu tranh thủ đi chơi và mua ít đồ dùng học tập. Khi đi ngang qua đường Điện Biên Phủ, trời nắng đẹp và thấy lá cờ Tổ quốc tung bay nên tôi đưa cháu vào tham quan, cũng là để cháu có điều kiện học và hiểu về lịch sử. Tôi cũng giới thiệu cho cháu về Cột cờ Hà Nội, những hiện vật được trưng bày xung quanh Cột cờ. Cháu tôi rất hào hứng với những minh chứng của lịch sử được trưng bày ở đây”. Cũng đang tham quan ở khu di tích này, em Trần Mai Trang ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình chia sẻ: Em cũng đã nhiều lần được đến Cột cờ Hà Nội, khi thì nhà trường tổ chức, lúc thì em đi cùng các bạn, nhưng mỗi lần đến đây, nhìn lá cờ tung bay trong gió, em luôn thấy tự hào, thêm yêu quê hương Hà Nội.
Hơn nửa thế kỷ qua, Cột cờ Hà Nội vẫn bề thế, hiên ngang. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn tung bay trên nền trời của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với hơn 200 năm tuổi, Cột cờ Hà Nội là một “chứng nhân lịch sử”, một biểu tượng vinh quang và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Nơi đây đã trở thành một địa điểm tham quan, du lịch quan trọng trong quần thể Khu di tích Thành cổ Hà Nội.
Song Hà-Hiền Mĩ