Những người bảo vệ "trận địa chính trị" Thủ đô
QPTĐ-Trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (20/7/1950-20/7/2025), ngành Bảo vệ an ninh Quân đội đã khẳng định vai trò then chốt trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững an ninh quốc gia. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, LLVT Thủ đô luôn là lực lượng tiên phong, kiên cường bảo vệ "trận địa chính trị" từ bên trong. Nơi ấy có những người ngày đêm âm thầm giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của lực lượng. Họ là những chiến sĩ không mặc áo giáp, không cầm súng, nhưng luôn ở tuyến đầu trong cuộc chiến thầm lặng mà cam go không kém bất kỳ mặt trận nào.
Bước vào Phòng Bảo vệ an ninh, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc nghiêm túc nhưng ấm áp tình đồng đội. Trung tá Nguyễn Bá Chương, Phó Trưởng phòng, tiếp chúng tôi với nụ cười hiền hậu của người cán bộ nhiều năm gắn bó với nghề. "Công việc của chúng tôi giống như những thầy thuốc nội tâm cho đơn vị", anh ví von, "phải luôn “chẩn đoán” kịp thời những “biểu hiện bệnh lý” về tư tưởng để chữa trị từ gốc".
Câu chuyện của anh Chương khiến chúng tôi nhớ lại những trang sử vàng của ngành Bảo vệ an ninh Quân đội. Ngày 20/7/1950, giữa bộn bề khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Cục Bảo vệ trực thuộc Tổng cục Chính trị. Những ngày đầu ấy, với lực lượng mỏng, kinh nghiệm non trẻ, các thế hệ đi trước đã kiên cường bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ, cho cơ quan đầu não kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Sau Hiệp định Geneva (1954), Cục tham gia thi hành hiệp định, giải quyết hậu quả chiến tranh, tiếp quản vùng giải phóng, và chống âm mưu di cư của địch.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ ngành Bảo vệ an ninh Quân đội đã trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn, kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các biện pháp bảo mật, phòng gian, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và các thế lực phản cách mạng, giữ vững an ninh chính trị trong quân đội, góp phần xứng đáng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.
"Truyền thống ấy vẫn chảy trong huyết quản mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi hôm nay", anh Chương xúc động nói. Trên địa bàn Thủ đô-trái tim chính trị của cả nước, nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ càng trở nên nặng nề. Mỗi sự kiện chính trị lớn, mỗi hội nghị quốc tế quan trọng diễn ra tại Hà Nội đều in dấu bước chân thầm lặng của những người lính bảo vệ an ninh.
Anh kể cho chúng tôi nghe về những đêm trắng cùng đồng đội rà soát từng hồ sơ cán bộ, kiểm tra từng luồng thông tin nhạy cảm. Có những vụ việc tưởng chừng như rất nhỏ, như một status bất thường trên mạng xã hội của một quân nhân, một cuộc điện thoại đáng ngờ từ nước ngoài nhưng đều được các anh phân tích, xử lý kịp thời. "Chỉ riêng trong 5 năm gần đây, đơn vị đã phát hiện, xử lý 29 vụ việc liên quan đến tài liệu độc hại, phản động trên không gian mạng và nội bộ đơn vị", anh Chương chia sẻ, "Một con số nhỏ nhưng thể hiện tinh thần chủ động, sắc bén và dứt khoát trong nhận diện, đấu tranh với các nguy cơ phá hoại ngầm".
Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, mặt trận an ninh mạng trở thành thách thức mới. Những chiến sĩ bảo vệ an ninh Thủ đô đã nhanh chóng làm chủ công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chính trị nội bộ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, cảnh báo sớm các nguy cơ. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ “vững chính trị-giỏi nghiệp vụ-tinh thần thép-trách nhiệm cao” luôn sẵn sàng xử trí mọi tình huống.
Không chỉ là những chiến sĩ trên mặt trận vô hình, họ còn là những nhà tâm lý, những người anh của chiến sĩ trong đơn vị. Phương châm "Chủ động phòng ngừa-phát hiện từ sớm-xử lý từ gốc-bảo vệ từ bên trong" được cụ thể hóa bằng những buổi sinh hoạt chính trị sâu sát, những cuộc trò chuyện thân tình để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. "Đôi khi chỉ cần lắng nghe và chia sẻ kịp thời, chúng tôi đã có thể ngăn chặn được những suy nghĩ lệch lạc từ khi mới manh nha", anh Chương tâm sự.
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, từ những ngày đầu thành lập với biên chế chỉ vài chục cán bộ, đến nay ngành Bảo vệ an ninh Quân đội đã trưởng thành vượt bậc. Những phần thưởng cao quý như Huân chương Quân công, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là minh chứng cho sự đóng góp thầm lặng mà to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Và tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, những chiến sĩ ấy vẫn miệt mài gìn giữ "trận địa chính trị", bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của lực lượng vũ trang Thủ đô.
Khi chúng tôi ra về, trời Hà Nội đã lên đèn. Ánh điện lung linh tỏa ra từ những tòa nhà cao tầng. Và ở đâu đó, những chiến sĩ bảo vệ an ninh vẫn đang miệt mài với công việc thầm lặng của mình. Họ, những chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng, chính là một phần không thể thiếu trong bức tranh bình yên của Thủ đô, góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành Bảo vệ an ninh Quân đội anh hùng.
Ý Nhi