Khí thế và xung lực mới từ thi đua “Thần tốc - Quyết thắng”
QPTĐ-Đợt thi đua cao điểm “Thần tốc - Quyết thắng” chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), đã tạo động lực to lớn, cổ vũ mạnh mẽ, động viên cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, vượt khó vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Để hiểu rõ hơn về những thành tích, kết quả nổi bật đó, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Đại tá Lưu Nam Tiến, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Phóng viên: Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo Quyết liệt, Phong trào Thi đua quyết thắng (TĐQT) nói chung và đợt thi đua cao điểm “Thần tốc-Quyết thắng” nói riêng của cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô Hà Nội đã phát triển toàn diện, đúng hướng, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đi vào chiều sâu, đảm bảo thực chất, vững chắc. Đồng chí có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?
Đại tá Lưu Nam Tiến: Với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm Cục Chính trị luôn quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh; bám sát nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai toàn diện, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong LLVT Thủ đô, nhất là những nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ mới, việc khó; đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng LLVT Thủ đô vững mạnh về chính trị. Đặc biệt, là tổ chức triển khai thực hiện đợt thi đua cao điểm “Thần tốc-Quyết thắng” bằng nhiều biện pháp đột phá, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị; góp phần bảo đảm cho LLVT Thủ đô hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Nổi bật là, thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết của các cấp về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; sắp xếp, kiện toàn tổ chức, biên chế đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đề xuất phương án sắp xếp cán bộ khi không tổ chức cơ quan Ban CHQS cấp huyện và đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh theo hướng tinh, gọn, mạnh; tham mưu với Thành phố hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đạt chất lượng tốt, các tiêu chí về sức khỏe, trình độ học vấn, đảng viên và công dân tình nguyện đều tăng; thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các đối tượng. Chủ động, tích cực tham mưu đề xuất các đề án, chủ trương, mô hình mới, cách làm sáng tạo, đột phá và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, như: Mô hình “Cán bộ, đảng viên dìu dắt quần chúng và cấp dưới”; “5 chủ động trong công tác tư tưởng”… chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ nâng cao nhận thức về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng; truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; ý nghĩa, tầm vóc và giá trị lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của Quân đội ta. Đoàn thanh niên tổ chức cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với gần 1 triệu bài tham gia dự thi; các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, tọa đàm thanh niên và các hoạt động tháng thanh niên đã thu hút 100% cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia sôi nổi.
Các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, Phong trào “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được Cục Chính trị chủ động phối hợp, triển khai thực hiện hiệu quả, tiêu biểu là: Bộ Tư lệnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 200 lượt phương tiện tham gia khắc phục hậu quả các vụ thiên tai, cháy nổ, hỏa hoạn, cháy rừng, sập đổ công trình, tìm kiếm cứu nạn, vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị trên địa bàn; tổ chức gặp mặt tri ân cán bộ nguyên là thủ trưởng Quân khu Thủ đô, Bộ CHQS tỉnh Hà Tây, Bộ CHQS thành phố Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ. Phối hợp với cơ quan Kiểm toán Nhà nước tổ chức đoàn công tác tại tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9; dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị; tổ chức thăm và tặng quà 5.309 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng với số tiền gần 5 tỉ đồng; hỗ trợ xây 4 Nhà đồng đội; ủng hộ Quỹ “Biển đảo Việt Nam”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tham mưu với Thành ủy Hà Nội tổ chức Đoàn cán bộ đi thăm, động viên, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1; đầu tư kinh phí khởi công xây dựng Nhà văn hóa trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và tặng trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của quân, dân trên đảo với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Đợt thi đua cao điểm đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Phóng viên: Từ những kết quả trên, đồng chí đánh giá như thế nào về sự đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp của đợt thi đua cao điểm?
Đại tá Lưu Nam Tiến: Thông qua những kết quả nổi bật từ đợt thi đua cao điểm cho thấy, về phương pháp tổ chức thực hiện, phải kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua cao điểm, thi đua đột kích, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; các cuộc vận động, các phong trào thi đua của các cấp, các ngành, địa phương; đồng thời, phải tập trung đột phá, hướng vào thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hướng về cơ sở, tạo sự chuyển biến tiến bộ vững chắc.
Về nội dung, hình thức và biện pháp thi đua phải đa dạng, phong phú, sát tình hình thực tế; cụ thể: Đối với khối các đơn vị chủ lực, chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị với phổ biến, giáo dục pháp luật; huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có động cơ, trách nhiệm đúng đắn, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn. Giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ với chiến sĩ. Phát huy tốt vai trò của tổ 3 người, hệ thống chiến sĩ bảo vệ để nắm bắt tâm lý, tình hình tư tưởng chiến sĩ để có biện pháp giáo dục, thuyết phục. Với nhà trường, thực hiện tốt phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, Cục Chính trị đã tham mưu với Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo như: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác dạy và học; xây dựng chương trình, kế hoạch khoa học, quản lý điều hành chặt chẽ, bảo đảm giảng đường, thao trường, cơ sở vật chất đầy đủ. Qua đó, chất lượng giáo dục, đào tạo không ngừng được nâng lên.
Về các chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, hợp lý, dễ thực hiện và có tính khả thi cao; mục tiêu thi đua toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, xác định đột phá vào những nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ mới và khó, những khâu yếu, mặt yếu, tạo sự chuyển biến tiến bộ trong từng cơ quan, đơn vị.
Phóng viên: Thời gian tới, để Phong trào thi đua của LLVT Thủ đô tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật, theo đồng chí cần tập trung vào những nội dung, biện pháp nào?
Đại tá Lưu Nam Tiến: Trước tiên cần phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua-khen thưởng; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua-khen thưởng. Đây chính là cơ sở, biện pháp quan trọng hàng đầu để có thể thực hiện thắng lợi, hiệu quả các phong trào thi đua. Tiếp tục đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; kết hợp chặt chẽ phong trào TĐQT với phong trào thi đua yêu nước, Phong trào “Người tốt, việc tốt” của Thành phố; thực hiện có hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và các PTTĐ, các cuộc vận động của các cấp, các ngành, địa phương.
Đồng thời, phát huy vai trò của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong triển khai, tổ chức và hướng dẫn thi đua đồng bộ ở các cấp, bám sát nhiệm vụ chính trị, thực tiễn đặt ra, để cụ thể hóa nội dung, chỉ tiêu thi đua sát, đúng và tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu, việc mới. Trong đó, trọng tâm nội dung, chỉ tiêu thi đua hướng vào xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; tăng cường quản lý chính trị nội bộ, phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp gương mẫu, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện, giáo dục, đào tạo, diễn tập, hội thi, hội thao; xây dựng LLVT Thủ đô theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt; đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự ở các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới phong cách làm việc. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục bệnh thành tích, chiếu lệ, thực dụng, tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng. Tạo không khí thi đua dân chủ, lành mạnh, rộng khắp trong cơ quan, đơn vị. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới. sáng tạo, hiệu quả; những gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc, nhất là các nhân tố mới để cổ vũ, nêu gương, tạo thành phong trào “Đua, đuổi, vượt” các điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị.
Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
Báo Quốc phòng Thủ đô (thực hiện.)