A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất đất nước

QPTĐ-Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc đặc sắc, một di tích lịch sử đặc biệt. Dinh Độc Lập không chỉ là một “chứng nhân” lịch sử, nơi lưu dấu mốc son chói lọi-Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30/4/1975, mà còn là một biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất đất nước, đúng như tên gọi ngày nay của công trình này-Hội trường Thống Nhất. 

Toàn cảnh Dinh Độc Lập.

 

Từ Dinh Norodom đến Hội trường Thống Nhất

Đúng 10 giờ 45 phút trưa 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng T59 số hiệu 390 của quân giải phóng đã húc tung cổng Dinh Độc Lập-Trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh phi nghĩa chia cách dân tộc Việt Nam suốt 30 năm, mở ra kỷ nguyên mới-kỷ nguyên của hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Cùng lúc này ở phòng khánh tiết của Dinh, Dương Văn Minh-Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam cộng hòa và nội các tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Từ đó Dinh Độc Lập cũng trở thành chứng tích lịch sử ghi dấu thời khắc kết thúc của chính quyền Sài Gòn, giang sơn Việt Nam thu về một mối.

 Không chỉ là nơi ghi dấu những thời khắc lịch sử, Dinh Độc Lập còn là một kiệt tác kiến trúc hiện đại của Việt Nam. Ban đầu nơi này có tên là Dinh Norodom được xây dựng từ năm 1868 theo lối kiến trúc cổ điển phương Tây. Sau nhiều biến cố, Dinh Độc Lập mới được xây dựng lại vào năm 1962 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ-người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi Nguyên La Mã. Trong đồ án thiết kế, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp khéo léo giữa phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây với những triết lý cổ truyền, nghi lễ phương Đông và cá tính của dân tộc. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống Phương Đông. Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT  có nghĩa là tốt lành, may mắn; mặt trước của dinh thự, toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi. Đi vào bên trong Dinh, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng, các hành lang, đại sảnh, các phòng đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc.

Tháng 11 năm 1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất tổ quốc đã diễn ra tại Dinh Độc Lập là tiền đề để nhân dân bầu Quốc hội chung của cả nước vào tháng 4 năm 1976 và sự ra đời Nhà nước thống nhất mang tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Dinh Độc Lập cũng mang tên gọi mới-Hội trường Thống Nhất như là một biểu tượng cho hòa hợp thống nhất đất nước, một biểu tượng đáng tự hào của ngành kiến trúc-xây dựng Việt Nam.

Hội trường Thống Nhất-Không gian trải nghiệm mới mẻ của giới trẻ.

Biểu tượng của đất nước thống nhất

Chúng tôi gặp ca sĩ-nhạc sĩ Lê Anh Tuấn (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen) vào cuối tháng 3 tại Dinh Độc Lập khi anh cùng ekip đang ghi hình ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” hát live mộc cùng ghita đệm. Không gian Dinh xanh mát vừa cổ điển vừa hiện đại mang lại nhiều thước phim đẹp trong MV của anh. Tranh thủ lúc đổi bối cảnh quay, anh chia sẻ: Là 1 nhạc sĩ, ca sĩ sinh ra trong thời bình, tôi luôn tự hào về quá khứ, luôn yêu quý và biểu diễn dòng nhạc truyền thống cách mạng. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Sài Gòn, tôi được cất cao tiếng hát dâng tặng Thành phố và đất nước trong Dinh Độc Lập-một công trình rất đẹp có ý nghĩa to lớn đối với đất nước, tôi rất xúc động, mỗi câu hát đều chứa đựng niềm tự hào dân tộc, niềm vui chiến thắng, có cả sự tri ân những anh hùng đã hy sinh. Tất nhiên, lúc ghi hình không thể thiếu 2 chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 của Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Đây là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, tinh thần kiên cường và khát vọng hòa bình. Tôi xin biết ơn sâu sắc thế hệ cha anh đi trước, và mong ước đất nước tiếp tục phát triển, vững mạnh hơn nữa.

Cảm xúc của nhạc sĩ Lê Anh Tuấn cũng giống như cảm xúc của hàng nghìn người con đất Việt đến tham quan Dinh Độc Lập mỗi ngày. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ước tính năm 2024, Di tích quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập và Nhà trưng bày "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868- 1966" đã đón hơn 1,32 triệu lượt khách tham quan, vượt kế hoạch doanh thu được Văn phòng Chính phủ giao. Không chỉ duy trì phục vụ tốt nhất các cuộc tiếp khách, chiêu đãi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo TP.HCM, các sự kiện, hội nghị quan trọng cấp nhà nước, Hội trường Thống Nhất còn phát triển chương trình Khám phá Di sản dành cho trẻ em có độ tuổi từ 7 đến 15, để tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình và giải quyết vấn đề. Đặc biệt, hệ thống audio tour (thuyết minh bằng tai nghe điện tử) đã chính thức được đưa vào sử dụng để phục vụ khách tham quan di tích với 10 thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Thái Lan và Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới. Thời gian tới, Hội trường Thống Nhất có kế hoạch ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Dinh Độc Lập; số hóa không gian trưng bày và hiện vật; ứng dụng công nghệ trong trưng bày và diễn giải thông tin nhằm mang đến cho công chúng những câu chuyện lịch sử và không gian trải nghiệm mới mẻ, đưa Dinh Độc Lập đến gần hơn với giới trẻ. 

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, cái tên Hội trường Thống Nhất được cả nước nhắc đến nhiều hơn nữa vì đây là nơi tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mở đầu là Chương trình cầu truyền hình đặc biệt "Bản trường ca hòa bình" đã diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (điểm cầu TP.HCM) thu hút hàng nghìn người dân tới chiêm ngưỡng màn trình diễn 3D mapping đặc sắc. Những trận đánh lớn, những lá thư chiến trường, hình ảnh người lính trở về và khoảnh khắc lá cờ Tổ quốc tung bay giữa Dinh Độc Lập… được tái hiện sống động trên chính công trình ghi dấu thời khắc kết thúc chiến tranh. Sáng ngày 30/4/2025, lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam cũng được tổ chức trang trọng tại đường Lê Duẩn, mặt trước của Hội trường Thống Nhất. 

Trang Anh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ