QPTĐ- Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, năm Tỵ ghi dấu ấn với những sự kiện chính trị, quân sự nổi bật, tạo bước ngoặt trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trận Rạch Gầm-Xoài Mút (năm Ất Tỵ 1785) lưu danh sử sách.
Tranh minh họa
Năm Tân Tỵ (981)-đánh tan quân xâm lược Tống
Ngày 24/1/981, cánh thủy binh chủ lực quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy tiến vào nước ta qua cửa sông Bạch Đằng.
Sau hơn 2 tháng tiến công xâm lược, tháng 3/981, cả hai cánh quân Tống do Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng chỉ huy đều lâm vào tình trạng khó khăn, do liên tục bị quân chủ lực của ta và dân binh các làng xã bao vây, tập kích, quấy rối khiến cho lực lượng bị tiêu hao, tinh thần binh lính suy giảm.
Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 28/4/981 (tháng 3 năm Tân Tỵ), Lê Hoàn sử dụng một đạo thủy binh tiến đánh cánh quân Hầu Nhân Bảo rồi giả thua chạy; Hầu Nhân Bảo vội đem toàn bộ chiến thuyền truy đuổi. Chờ khi toàn bộ cánh quân Hầu Nhân Bảo lọt vào trận địa mai phục, Lê Hoàn lập tức tổ chức phản công quyết liệt, khiến cho quân Tống không thể chống đỡ, nhiều chiến thuyền trên sông Bạch Đằng bị đánh chìm, phần lớn quân sĩ bị tiêu diệt, trong đó có cả chủ tướng Hầu Nhân Bảo. Nghe tin lực lượng thủy binh của Hầu Nhân Bảo bị đánh thiệt hại nặng trên sông Bạch Đằng, cánh quân của Tôn Toàn Hưng đang đóng ở Hoa Bộ và cánh quân của Trần Khâm Tộ ở Tây Kết (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) hoảng sợ rút chạy, bị quân ta truy kích tiêu diệt đến quá nửa.
Kết quả, Trận Bạch Đằng 981 đã đập tan cánh quân chủ yếu của quân Tống, đánh chìm nhiều chiến thuyền, diệt nhiều quân sĩ, buộc số quân còn lại phải hoảng loạn rút chạy. Thắng lợi đó góp phần quyết định vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Đại Cồ Việt thời Tiền Lê; làm suy sụp tinh thần và ý chí xâm lược của vua quan Nhà Tống.
Năm Đinh Tỵ (1257)- chiến thắng quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất
Tháng 1/1258 (năm Đinh Tỵ 1257), khoảng 3 vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, theo lưu vực sông Hồng phía tả ngạn và hữu ngạn sông Thao tiến vào Đại Việt bắt đầu chiến tranh xâm lược nước ta.
Bình Lệ Nguyên chính là trận đầu tiên quân dân Đại Việt đối đầu trực diện với quân Mông Cổ. Đích thân Vua Trần Thái Tông và Thái tử Trần Hoảng dẫn quân lên nghênh địch tại Bình Lệ Nguyên (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, trước sức mạnh của địch, nhận thấy khó giữ được Thăng Long, để bảo toàn lực lượng, Nhà Trần quyết định rút lui khỏi kinh thành, thực hiện sách lược “vườn không nhà trống”. Quân Mông Cổ dù chiếm được Thăng Long nhưng lại gặp khó khăn về lương thực.
Ngày 29 tháng 1 năm 1258, quân Đại Việt từ sông Thiên Mạc mở đợt phản công đánh địch tại bến Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng cạnh kinh thành Thăng Long). Quân Mông Cổ bị đánh bật khỏi kinh thành Thăng Long. Quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vương triều Nhà Trần lần đầu đọ sức với đội quân xâm lược mạnh nhất thời bấy giờ, đã giành chiến thắng vang dội. “Vó ngựa Mông Cổ đến đâu, thì ở đó cỏ không mọc được”-song khi đến Đại Việt chúng đã phải quay đầu bỏ chạy.
Năm Ất Tỵ (1785)- Trận “Rạch Gầm, Xoài Mút” ghi danh sử sách
Rạch Gầm-Xoài Mút là 2 nhánh sông nhỏ đổ vào sông Tiền, một nhánh lớn của dòng sông Cửu Long (Mekong). Năm 1784 nhận được sự cầu viện từ Nguyễn Ánh, Vua Xiêm đã nhanh chóng cử Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 5 vạn quân sang xâm lược Đại Việt bằng cả hai ngả thủy, bộ.
Được tin quân Xiêm hoành hành, tháng 1-1785, Nguyễn Huệ kéo quân vào Nam đóng tại Mỹ Tho đại phố, chọn đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 7km, rộng từ 1-2 km, nơi giữa sông có Cù lao Thới Sơn với cây cối rậm rạp rất thuận tiện cho việc giấu quân và mai phục để làm điểm quyết chiến.
Đêm 18/1/1785 (ngày 8 tháng Chạp năm Giáp Thìn), lợi dụng con nước đang xuôi, cả hai đạo thủy, bộ quân Xiêm cùng rầm rộ tấn công. Đến khoảng đầu canh năm ngày 19/1/1785, đoàn thuyền chiến của địch lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn ở Rạch Gầm-Xoài Mút. Tức thì pháo lệnh tấn công của Tây Sơn nổ vang. Quân Tây Sơn, thủy, bộ phối hợp với nhau, khép chặt vòng vây, tiêu diệt quân địch hết mảng này đến mảng khác. Dưới sự chỉ huy và đốc chiến của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn anh dũng chiến đấu. Kết quả là 300 chiến thuyền và 5 vạn thủy binh của Xiêm cùng một số quân của Chúa Nguyễn đã bị quân Tây Sơn phá tan.
Đây là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử của xứ Đàng Trong và là trận thủy chiến lớn nhất trong 5 thế kỷ của dân tộc ta sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đã toàn thắng.
Năm Tân Tỵ (1941)-lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Ngày 28/1/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam-Trung Quốc, tại làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa Xuân thắng lợi.
Từ mùa Xuân năm 1941, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã chuyển sang một thời kỳ mới-thời kỳ nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho cách mạng Việt Nam, với mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Năm Quý Tỵ 1953-mở màn cho Chiến dịch Đông Xuân
Trước những diễn biến mới của tình hình, cuối tháng 9-1953, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng, bàn về kế hoạch, nhiệm vụ Đông Xuân 1953-1954, mở các cuộc tiến công chiến lược vào các hướng quan trọng nhằm phân tán lực lượng quân Pháp.
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là một minh chứng cho sức mạnh, ý chí kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân dân ba nước Đông Dương; là thắng lợi to lớn nhất, oanh liệt nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Năm Đinh Tỵ 1977-Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc
Ngày 20/9/1977 (năm Đinh Tỵ), Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc, trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức này. Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc.
Trần Hạnh