A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 - 12.2022)

Bảo đảm đạn tên lửa đánh thắng B-52

QPTĐ-Trong Chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, bộ đội tên lửa đã đánh 192 trận, phóng 334 đạn tên lửa, bắn rơi 36 máy bay các loại, trong đó có 29 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), góp phần cùng quân và dân Thủ đô lập nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Chiến công lịch sử đó có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sĩ các tiểu đoàn kỹ thuật, đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Trò chuyện với Đại tá Hà Đăng Tín, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân (năm 1972 ông đảm nhiệm chức vụ Trợ lý Phòng Tên lửa, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân), chúng tôi thấu hiểu hơn những khó khăn, vất vả của bộ đội kỹ thuật trong bảo đảm khí tài, đạn tên lửa phục vụ nhiệm vụ chiến đấu. Ông tự hào kể với chúng tôi về những ngày tháng lịch sử.…

Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) rút kinh nghiệm sau trận đánh (tháng 12/1972). (Ảnh: Tư liệu)

Chủ động bảo đảm khí tài, đạn tên lửa sẵn sàng đánh B-52

Ngày 05/4/1972, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân và các Quân khu: "Phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc”. Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không-Không quân đã tích cực, chủ động làm tốt mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng đánh B-52. Trong đó, công tác bảo đảm kỹ thuật cho bộ đội tên lửa được tiến hành toàn diện và khẩn trương. Quân chủng đã tổ chức hội nghị bàn về tiểu đoàn kỹ thuật toàn quân chủng. Hội nghị được nghe phổ biến Chỉ thị số 921 ngày 28/8/1972 của Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri về bảo đảm đạn tên lửa. Trọng tâm là các nội dung: Về sản xuất, có kế hoạch tỉ mỉ tổ chức lắp ráp, kiểm tra đạn tên lửa. Số lượng đạn bảo đảm luôn có ở tiểu đoàn hỏa lực 12 quả, ở tiểu đoàn kỹ thuật có 12 quả đã lắp ráp kiểm tra và 12 quả đã lắp ráp, kiểm tra phân đoạn. Có trận địa sản xuất chính, có trận địa sản xuất phụ và 2 dây chuyền sản xuất đạn tốt. Trận địa các tiểu đoàn kỹ thuật phải bố trí ở những địa điểm thích hợp, tiện tiếp tế đến các tiểu đoàn hỏa lực, ít phải qua các cầu phà, các trọng điểm giao thông địch có khả năng khống chế…

Để chuẩn bị đạn tên lửa cho đánh lớn, Cục Kỹ thuật Quân chủng đã tổ chức các công trường sửa chữa đạn gồm 2 dây chuyền cơ động, lực lượng lấy từ Xưởng A31 và các kho của Cục Kỹ thuật, cùng các Tiểu đoàn 80, Tiểu đoàn 90 triển khai ở Sóc Sơn, Hà Nội và Chí Linh, Hải Dương. Đến hết tháng 11/1972, toàn Quân chủng đã sửa chữa tốt được 220 quả đạn trên tổng số hơn 300 quả đạn hỏng. Cùng với đó, các đơn vị kỹ thuật tăng cường luyện tập sản xuất đạn trong điều kiện 3 ca liên tục, tăng năng suất từ 8 quả đạn/ngày lên 25 quả đạn/ngày. Đồng thời, vận dụng lắp ráp đạn trên xe TZM theo sáng kiến của đồng chí Dương Quảng Châu (Trung đoàn 285) để rút ngắn thời gian sản xuất đạn. 

Khó khăn nhất đối với việc bảo đảm khí tài, đạn tên lửa trong thời gian này là thiếu thốn về linh kiện, phụ tùng thay thế, trong khi, khối lượng công việc của các kho, xưởng rất lớn. Cục Kỹ thuật Quân chủng đã tổ chức hội nghị kỹ thuật cùng các sư đoàn phòng không, các binh chủng, chuyển hướng sản xuất, sửa chữa trang bị, vật tư phụ tùng theo tình hình chiến tranh diễn biến phức tạp cho phù hợp với điều kiện chiến đấu mới. Đặc biệt, tổ chức các đội cơ động cùng đơn vị trực tiếp sửa chữa hỏng hóc của khí tài, đạn, bệ phóng tại trận địa, được các trung đoàn tên lửa rất hoan nghênh. Phòng Tên lửa, Cục Kỹ thuật đã tổ chức các đội cơ động gồm các kỹ sư và thợ giỏi trực tiếp xuống các tiểu đoàn hỏa lực để chỉ đạo và tham gia với các kỹ thuật viên bảo dưỡng định kỳ năm, kết hợp sửa chữa hỏng hóc, phục hồi các tham số kỹ thuật cho khí tài, đạn dược. Nhờ những biện pháp thiết thực, đến cuối tháng 11/1972, các trung đoàn tên lửa thuộc Sư đoàn Phòng không 361, Sư đoàn Phòng không 363 đã bảo quản định kỳ năm xong khí tài, đạn tên lửa với tham số kỹ thuật tốt nhất, sẵn sàng đánh B-52.

Khắc phục khó khăn, bảo đảm đạn trong chiến đấu

Ngày 21/12/1972, trong lúc tin chiến thắng đang dồn dập báo về Sở Chỉ huy Quân chủng thì Sư đoàn Phòng không 361 báo cáo: Tiểu đoàn 77 và Tiểu đoàn 94 hết đạn. Đứng trước tình hình thiếu đạn tên lửa, từ Bộ Tư lệnh Quân chủng đến các sư đoàn, trung đoàn đều tập trung mọi nỗ lực để giải quyết việc sản xuất và tiếp đạn kịp thời cho các tiểu đoàn hỏa lực đánh liên tục. Đồng thời, Cục Kỹ thuật chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng sửa chữa hỏng hóc. 

Tại Xưởng A31, Đội trưởng Đỗ Văn Được cùng anh em làm việc khẩn trương, liên tục để khôi phục đạn quá niên hạn, dồn ghép, sửa chữa những đạn hỏng để bổ sung cho các đơn vị. Các kỹ sư giỏi về đạn tên lửa như: Trần Thanh Hữu, Phạm Huy Quỳnh, Dương Văn Vĩnh…thường xuyên lăn lộn với anh em, vừa làm vừa hướng dẫn anh em lắp ráp nhanh và hiệu quả nhất. 

Tại Tiểu đoàn 80 (Trung đoàn 257) và Tiểu đoàn 95  (Trung đoàn Tên lửa 261), các đơn vị đẩy nhanh tốc độ sản xuất đạn chưa từng thấy. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 80 Vương Toàn Tước và Tiểu đoàn phó Nguyễn Huy, cùng anh em nghiên cứu, cải tiến rút gọn từng công đoạn, đưa năng suất lắp ráp từ 10 đến 12 quả đạn/ngày lên 24 đến 26 quả đạn/ngày để bảo đảm đạn cho các đơn vị hỏa lực chiến đấu. Xưởng A31 đã cùng với đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Phòng Tên lửa bám sát các đơn vị chiến đấu, kịp thời khôi phục, sửa chữa khí tài, bệ, đạn bị địch đánh hỏng, bảo đảm hệ số kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị hỏa lực đạt từ 90% đến 100%. 

Với sự nỗ lực không ngừng của các đơn vị kỹ thuật, cơ bản việc thiếu đạn tên lửa đã được khắc phục. Đến đêm 26/12/1972, tên lửa đánh 27 lần, mặc dù tiêu thụ 49 quả đạn (bắn rơi 6 máy bay B-52), số lượng đạn tiêu thụ lớn, song ở các tiểu đoàn kỹ thuật vẫn còn hơn 100 quả đạn dự trữ ở tuyến 2. Đó là một sự cố gắng rất lớn của Cục Kỹ thuật và cán bộ, chiến sĩ các Tiểu đoàn 80, 95 và Xưởng A31. Với thành tích xuất sắc trong bảo đảm kỹ thuật trong chiến đấu, Tiểu đoàn 80 và Tiểu đoàn 95 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Xưởng A31 được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 29/8/1985).

Đức Trọng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ