Gặp người chiến sĩ trong đoàn áp giải Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng
QPTĐ-Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thống nhất. 50 năm đã trôi qua, nhưng cảm xúc về khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến tranh còn nguyên vẹn trong tâm trí của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Huy Hoàng, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 59, quân tăng cường Thủ đô, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khi xưa.
Câu chuyện trong thời khắc lịch sử
Đi sâu vào ngõ 85/30, đường Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, chúng tôi đến nhà CCB Nguyễn Huy Hoàng trong không khí rạo rực kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vốn là thanh niên Hà Nội ở phố Tràng Thi, trúng tuyển vào trường Đại học Kiến trúc năm 1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Huy Hoàng đã gác bút nghiên, lên đường vào Nam chiến đấu. Ông được biên chế vào Đại đội 70, Tiểu đoàn 68, Trung đoàn 59, có nhiệm vụ huấn luyện, tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau 3 tháng huấn luyện, ông lại được điều chuyển về Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2.
CCB Nguyễn Huy Hoàng bồi hồi nhớ lại: “Sau nhiều tháng chuẩn bị tác chiến, ngày 26/4/1975, tại rừng cao su Long Khánh, toàn Trung đoàn 66 được phổ biến kế hoạch, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và được lệnh làm mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến công trên hướng quan trọng Đông-Đông Nam, cùng với các lực lượng phối thuộc Lữ đoàn xe tăng 203, đặc công, pháo binh, công binh tạo thành binh chủng hợp thành theo hướng xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn. Chiến đấu liên miên, thời điểm đó tôi được giao nhiệm vụ làm chiến sĩ thông tin truyền miệng luôn luôn bên cạnh thủ trưởng Trung đoàn để truyền đạt khẩu lệnh cấp tốc xuống các chốt hoặc các đơn vị chiến đấu khác, hoặc có những lệnh không thể truyền qua sóng được, phải truyền bằng miệng, chạy bằng chân, cần phải nhớ nội dung ngắn gọn nhưng đủ ý để hoàn thành nhiệm vụ.
Rạng sáng 30/4/1975, từ căn cứ Nước Trong mới chiếm được của địch, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2 được lệnh tiến thẳng vào Sài Gòn theo hướng xa lộ Biên Hòa. Khi đến cầu Đồng Nai thì gặp một ổ đề kháng của địch. Thấy lực lượng của ta quá mạnh, địch chống trả yếu ớt rồi bỏ chạy. Quân ta tiến thẳng đến cầu Rạch Chiếc. Trước khí thế hừng hực của ta, quân địch ở đây cũng bỏ chạy. Đến khoảng 5 giờ 30 phút, quân ta tiến đến cầu Sài Gòn. Tại đây, địch dùng 2 xe tăng M48 dàn hàng ngang bắn thẳng vào đoàn xe tăng của ta. Dưới sông Sài Gòn, tàu chiến của địch cũng bắn pháo lên hỗ trợ. Do địch chống cự ác liệt, quân ta phải dừng lại và tổ chức tác chiến. Tăng của ta và địch bắn nhau dữ dội, sau đó lực lượng bộ binh cùng với sự hỗ trợ của đặc công và công binh dũng cảm tiến gần xe tăng địch, dùng B40, B41 bắn hạ 2 xe tăng địch, giải tỏa nút chặn”.
Câu chuyện của người lính giải phóng khi xưa mỗi lúc một nóng lên theo bước chân thần tốc của đại quân tiến vào Sài Gòn. Nhấp chén trà nóng, CCB Nguyễn Huy Hoàng kể tiếp: “Thừa thắng, quân ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Sau khi xe tăng húc đổ cổng chính thì chiếc xe Jeep chở chúng tôi chạy vòng lên phía trước tiến thẳng vào cửa dinh. Đồng chí Phạm Xuân Thệ (lúc bấy giờ là Đại úy, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, là chỉ huy mũi thọc sâu này) có ra lệnh cho tôi và đồng chí Bàng Nguyên Thất, chiến sĩ thông tin máy 2W (đang cùng ngồi trên xe của đồng chí Phạm Xuân Thệ) vào Dinh Độc Lập bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Lên đến nơi thì Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đã chờ sẵn trước cửa phòng họp. Dương Văn Minh nói: “Báo cáo cấp chỉ huy tôi đang chờ Quân Giải phóng để bàn giao”, chưa kịp nói hết câu, ông Thệ liền tuyên bố: “Các ông bây giờ bị bắt làm tù binh, không có gì phải bàn giao cả”. Từ lúc đó trở đi, Dương Văn Minh không dám ngẩng mặt nhìn chúng tôi nữa. Sau đó, tôi và đồng chí Thất được cử làm nhiệm vụ gác bảo vệ cửa không cho ai vào để các thủ trưởng làm việc, soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh”.
Luôn trân quý giá trị của hoà bình
“Ngay trước giờ giải phóng Sài Gòn, chúng tôi vô cùng thương xót khi chứng kiến đồng đội mình ngã xuống”- CCB Nguyễn Huy Hoàng rơm rớm nước mắt. Ngày ấy, ông Hoàng mới là binh nhất, 24 tuổi, còn rất trẻ, nhưng trong giờ phút trọng đại ấy, ông cũng ý thức rõ từng việc nhỏ mình đang làm. Lấy cho chúng tôi xem bức ảnh cùng đồng đội áp giải Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng, CCB Nguyễn Huy Hoàng bùi ngùi xúc động: “Trước tình thế đó, chúng tôi xác định phải đưa họ ra Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng càng nhanh càng tốt. Nhanh được giây phút nào quân ta bớt đổ máu trên chiến trường giây phút ấy. Lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện do Tổng thống Dương Văn Minh đọc đã được phát đi ngay trưa 30/4 trong niềm hân hoan, vui sướng trào nước mắt của toàn dân. Sau khi hoàn tất mọi công việc, chúng tôi chở Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu về Dinh Độc Lập bàn giao cho sở chỉ huy Sư đoàn và Quân đoàn”.
Năm 1976, ông Nguyễn Huy Hoàng trở về trong vòng tay yêu thương của cha mẹ ở tập thể Xưởng phim đèn chiếu Trung ương, số 1 Tràng Thi, rồi tiếp tục vào học tại Trường Đại học Kiến trúc. Ra trường, ông làm việc ở Công ty Xây dựng Dân dụng Hà Nội rồi nghỉ hưu cho đến bây giờ.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi người Việt Nam nói chung và những chiến sĩ từng chứng kiến giây phút lịch sử đó dù đang ở bất kỳ nơi đâu cũng không khỏi xúc động bồi hồi. Giờ đây trở về với đời thường, có những lúc thường xuyên đau ốm, nhưng người chiến sĩ giải phóng Nguyễn Huy Hoàng năm xưa vẫn lạc quan, yêu đời, giữ trọn vẹn tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Quân đội dân nhân Việt Nam anh hùng, nhiệt huyết góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước. “Tôi mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay phải luôn ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha anh đi trước để đất nước ta giành được độc lập, thống nhất và phát triển như ngày hôm nay. Đồng thời phải tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng ấy, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, sánh ngang với các nước trên thế giới, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước”-CCB Nguyễn Huy Hoàng bày tỏ.
Ký ức về những ngày tháng đầy gian khó, ác liệt nhưng vô cùng tự hào của những chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa mãi là những trang lịch sử rạng ngời để cho thế hệ trẻ hôm nay thêm hiểu và trân trọng hơn những giá trị của hòa bình.